LŨY TRE LÀNGTuổi
thơ tôi có nhiều kỷ niệm sâu lắng về lũy tre làng. Đi xa, mỗi lần về
thăm quê, nhìn thấy lũy tre làng lại thấy lòng bồn chồn, rạo rực. Những
thảm xanh vươn lên trời mây, sừng sững, bề thế, vững chãi và rất gần
gũi. Trước nhà tôi có hai bụi tre. Mỗi buổi trưa hè thật là sảng
khoái, thanh thản khi nằm trên võng đay đung đưa dưới bờ tre. Gió từ
đồng xa thổi về mát lộng. Tiếng gió xạc xào trên lũy tre cứ đi dần vào
giấc ngủ, êm đềm như lời ru. Những hôm chăn trâu ở đồng xa, tôi vẫn nhìn
ngắm lũy tre làng. Chộn rộn nhất là lúc hoàng hôn, khi những áng mây
chiều chuyển màu vàng đậm hoặc hồng tươi, sắc tím hoàng hôn như từ lũy
tre làng ùa ra, hòa vào ngọn gió. Tôi thích ngắm những đàn cò trắng bay
về lũy tre làng. Thích là vậy, nhưng trèo lên ngọn tre tìm tổ cò vẫn là
thú vui của lớp trẻ chăn trâu chúng tôi. Trèo tre rất khó và phải thận
trọng, nếu không sẽ bị gai tre cứa vào mặt, kéo toạc cả quần áo.
Tôi
không thể nào quên được những mầm măng tre vừa nhú lên khỏi mặt đất sau
mưa. Nó nhọn hoắt, đầu xanh, bẹ vàng, thân trắng, như ẩn chứa những sức
mạnh thần kỳ, sức vươn mạnh mẽ. Khi xa quê, nhớ lũy tre làng, nhớ những
mầm măng, tôi lại thấy thương bố da diết. Bỗng nhiên, tôi lại nhớ những
câu thơ của Nguyễn Duy trong bài “Tre Việt Nam”: ... Thân gầy guộc
lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi/ ...Có manh áo cộc tre
nhường cho măng/Măng non là búp măng non/Đã mang dáng thẳng thân tròn
của tre ... Bố tôi giỏi nghề đan lát các đồ dùng bằng mây tre. Ông
dạy: “Chặt tre đừng chặt sát gốc, phải chặt cao hơn mặt đất khoảng nửa
mét. Để nó còn sinh ra măng”. Tôi thấy những lời dạy của ông thật chí
lý, sâu sắc và có hậu.

Chúng
tôi lớn lên, may mắn dù trong chiến tranh vẫn được ăn học chu đáo, rồi
chưa hết chiến tranh nên cầm súng xa nhà đi chiến đấu giải phóng dân
tộc, bảo vệ Tổ quốc. Lũy tre làng cứ theo năm tháng to lớn dần, nối dài,
bề thế vòm xanh, trong lành ngọn gió, chở che bão giông cho cả làng. Bố
tôi kể lại rằng, nếu như ngày xưa không có lũy tre thì khó đánh giặc
khi chúng càn vào làng. Bờ tre thật kín đáo, che chắn đạn và tầm quan
sát của địch. Những cái hầm, những công sự của du kích dưới lũy tre thật
vững chắc, bởi chằng chịt rễ tre giữ cho hầm hào, công sự không dễ bị
sạt lở. Khi tôi lớn lên, làng tôi là điểm dừng chân trên đường hành quân
vào Nam chống Mỹ của các đơn vị bộ đội. Cả trung đoàn đóng quân trong
làng. Không cần ngụy trang, những chiếc võng bạt của bộ đội mắc dưới lũy
tre làng thật kín đáo và thơ mộng nữa. Xe, pháo hành quân qua làng cũng
núp dưới lũy tre, không sợ máy bay địch phát hiện. Trong các cuộc kháng
chiến bảo vệ làng quê, lũy tre cũng góp phần đánh giặc. Ôi! Lũy tre
làng thật là gần gũi, thân thuộc và lợi ích biết bao.

Thế
nhưng, trong vài thập niên qua, mỗi lần về quê tôi cứ thấy thiếu vắng
một cái gì đó. Trong nỗi nhớ da diết thời tuổi thơ có nỗi nhớ lũy tre
làng. Đúng thế! Lũy tre tự bao đời bao bọc, chở che cho làng tôi giờ đây
chỉ còn trong ký ức. Lớp trẻ sau này ở quê tôi lớn lên chắc không thể
nào hình dung ra lũy tre làng. Về quê bây giờ từ phía xa nhìn không còn
thấy lũy tre bề thế vòm xanh nữa. Người ta chặt tre để có đất thay đổi
cây trồng, làm ao nuôi thủy sản, phát triển kinh tế gia đình. Người ta
chặt tre, lấp cát, đắp nền bán đất. Làng tôi nay đã dần dần đô thị hóa.
Người ta chặt hết các bụi tre để xây dựng nhà mới. Thay vào nhà ngói 5
gian khiêm tốn dưới lũy tre là những nhà cao tầng, nhà mái bằng đổ tấm
bê tông. Lũy tre làng thân thương và gắn bó, nay còn đâu?…
Gia tộc họ Phạm Liên hệ: hophamhaiphong@gmail.com
|