Bài phát biểu diễn văn khánh thành nhà thờ họ Phạm Công của ông Sao !

đăng 19:39 12 thg 10, 2012 bởi Hải Phòng Họ Phạm   [ đã cập nhật 19:43 12 thg 10, 2012 ]

Bài diễn văn khánh thành nhà thờ Họ  của ông Sao:


http://i1048.photobucket.com/albums/s368/hophamhaiphong/Khanh%20thanh%20nha%20tho%20ho%20Pham%20-%20phan%202%20-%20ngay%2026-8-2/IMG_1344.jpg

          Kính thưa Quý vị Đại biểu !

    Kính thưa các vị khách quý !

Kính thưa bà con, cô bác, anh chị em, con cháu, dâu, rể, nội ngoại

của dòng họ Phạm Công thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, HP.

 

Huyện Tiên Lãng là một vùng đất lâu đời thuộc tỉnh Kiến An trước đây. Tiên Lãng có cảnh quan của vùng đồng bằng ven sông, ven biển của thành phố Hải Phòng, là một Huyện được bồi đắp bởi hai cửa sông Văn Úc và Thái Bình rồi kéo thẳng ra tận biển Đông. Là một Huyện gắn liền với điạ danh “ Tiên lãng chống càn” được lưu truyền trong sử sách của dân tộc. Từ ngàn xưa thì các cư dân người Việt đã khai khẩn và sinh sống ở nơi đây, tạo nên nền văn minh và văn hóa lúa nước. Vùng đất địa linh, danh kiệt này đã nổi danh từ thời xưa với 24 di tích được công nhận, hàng năm đều diễn ra các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, vui tươi và lành mạnh.

Thôn Vân Đôi xã Đoàn lập, tự hào là một bộ phận địa danh thuộc Huyện Tiên Lãng, là địa phương được công nhận “ Xã anh hùng thời kỳ chống Pháp”; thôn Vân Đôi có đền Kinh Sơn linh thiêng, cổ kính được công nhận di sản văn hoá cấp Thành Phố, đó chính là đền Bì mà sự linh thiêng được lưu truyền đi khắp 4 phương “ Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”,gắn liền với lễ hội truyền thống “ Bơi thuyền cầu đảo” vào tháng giêng hàng năm, đó là phong tục cúng tế trời phật để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu vô cùng linh nghiệm.  lễ hội này, nay vẫn được duy trì và phát triển thành lễ hội truyền thống của Huyện.

Hiện tại thôn Vân Đôi có 121 hộ gia đình, gần 400 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó dòng họ Phạm Công có trên 80 hộ với gần 300 nhân khẩu.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, con cháu dòng họ Phạm Công vẫn giữ được những nét thuần phong mỹ tục của Tổ Tiên để lại, đó là lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, luôn coi trọng đạo lý, nghĩa tình. Có đức tính hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, có một lối sống giản dị, gần gũi, thuỷ chung. Nét truyền thống đó như là một Di sản, một tinh hoa của làng nước, của họ Tộc, nó được lưu truyền và vun đắp qua bao thế hệ cha Ông.



http://i1048.photobucket.com/albums/s368/hophamhaiphong/Khanh%20thanh%20nha%20tho%20ho%20Pham%20-%20phan%202%20-%20ngay%2026-8-2/IMG_1338.jpg

Kính thưa các quý vị;

Kính thưa toàn thể bà con cô bác,

 

Hơn 200 năm trước đây, hai cụ tổ dòng họ Phạm Công, hai anh em ruột Cụ Phạm Công Kim và cụ Phạm Công Phúc là những người đặt dấu ấn đầu tiên của dòng họ Phạm tại nơi này, nay là thôn Vân Đôi. Từ Đồng Bàch Lạng Sơn di cư về, phát hiện đây là vùng đất địa linh, với vị thế đẹp, các cụ đã ở lại định cư và lập nghiệp. Khi đó vùng đất này còn loạn lạc hoang sơ, Tổ Tiên chúng ta đã phải vượt qua bao nguy hiểm khó khăn để khai hoang, mở rộng diện tích mới tạo dựng được địa danh an nghiệp và truyền lại cho con cháu chúng ta như ngày hôm nay.

Cụ Phạm Công Kim đã xây dựng gia đình và sinh hạ được hai người con trai là : cụ Phạm Công Thạch và Cụ Phạm Công Huân . Trong thời gian này có một người cháu gọi cụ Kim cụ Phúc bằng chú ruột, là cụ Phạm Công Tào đã tìm về và cùng các cụ lập nghiệp, sinh sống. Chính vì vậy, từ đời thứ 2, dòng họ Phạm Công ghi nhận có 3 Ngành: Cụ tổ Ngành thứ nhất là cụ Phạm Công Tào; ngành thứ 2 là cụ Phạm Công Thạch và Ngành thứ 3 là cụ Phạm Công Huân.

Họ Phạm Công sống ở thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An xưa, nơi tụ linh này tính đến nay theo số liệu thống kê thì đã có 10 đời với gần 300 xuất đinh. Trong số đó có hơn 80 hộ gia đình sinh sống tại thôn Vân Đôi. Ngoài ra, con cháu họ Phạm Công còn có mặt trên hầu hết mọi miền Tổ quốc, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, tập trung ở các thành phố lớn Như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh … Có những người đi du học, lao động và đã ở lại lập nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Như Đức, Mỹ,Anh Quốc, Tiệp Khắc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông …

Trải Qua các đời đầu của dòng họ, có nhiều vị đã có tên tuổi, thành danh ở nhiều ngành nghề khác nhau như : Nghề thầy giáo, nghề thầy thuốc, nghề điêu khắc Mộc, nghề thầy cúng, nghề biểu diễn Nghệ thuật dân gian… và đã truyền lại cho các đời và phát triển đến tận ngày nay. Hiện nay, các con cháu họ Phạm đang hoạt động trong hầu hết tất cả các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau trên cả nước.

Sống trên mảnh đất anh hùng, con cháu dòng họ Phạm Công tự hào được ghi nhận là dòng họ yêu nước, yêu dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tất cả dòng họ đã không tiếc công của và xương máu để tham gia kháng chiến, gia nhập du kích chống giặc bảo vệ làng xóm quê hương. Tổ quốc đã ghi công 8 anh hùng liệt sỹ họ Phạm Công thời chống Pháp.

Đến cuộc kháng chiến  chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc các trai tráng họ Phạm Công cũng là những người đi đầu trong phong trào nhập ngũ, sẵn sàng ra các mặt trận chiến đấu. Và trong cuộc kháng chiến ác liệt này cũng đã có 8 người con của dòng họ đã hy sinh anh dũng, mãi mãi không trở về.

Sự hy sinh cho thế hệ con cháu của các liệt sỹ họ Phạm, tinh thần quên mình vì Tổ Quốc luôn là niềm tự hào của dòng họ. Sự hy sinh đó đã góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc đem lại cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

http://i1048.photobucket.com/albums/s368/hophamhaiphong/Khanh%20thanh%20nha%20tho%20ho%20Pham%20-%20phan%202%20-%20ngay%2026-8-2/IMG_1343.jpg

Kính thưa các quý vị;

Kính thưa toàn thể bà con cô bác,

 

Người xưa đã có câu     “Con hơn cha là nhà có phúc”.     Dòng họ Phạm Công thôn

Vân Đôi vui mừng ghi nhận sự thành đạt và phát triển ngày càng cao của mỗi đời con cháu về sau so với các thế hệ trước. Chúng ta có quyền tự hào là một dòng họ có phúc ấm của tổ tiên phù trợ.  Đến nay đã có hàng chục người tốt nghiệp đại học, có người tốt nghiệp 2,3 bằng đại học. Trong số đó có 4 thạc sỹ. Nhiều người công tác và làm lãnh đạo tại những cơ quan, đơn vị của Nhà nước, có những người phục vụ trong quân đội với hàm đại tá, rồi làm chủ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhiều con cháu làm ăn phát đạt...  Những thành tích đó đánh dấu sự tiến bộ rất lớn, xứng đáng được ghi nhận, động viên, khích lệ và phát huy.  Tuy nhiên so với xã hội, những thành tích ấy còn ở mức khiêm tốn. Đó chính là điều mỗi người họ Phạm Công chúng ta cần phải suy nghĩ để có ý thức giáo dục, trách nhiệm chăm lo, động viên và tạo điều kiện hơn nữa cho con cháu, để những thành tích đạt được sau này ngày một cao hơn, làm rạng danh thêm cho dòng họ và góp phần xây dựng quê hương đất nước.

 “ Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông” điều đó đã trở thành chân lý và quy luật của cuộc sống. Mỗi người con họ Phạm sinh ra đều có sự kết tinh từ giọt máu của tổ tiên. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đã ăn sâu vào tiềm thức của cuộc sống loài người. Vì thế, thờ cúng tổ tiên là nghĩa vụ của mọi người trong cùng một dòng họ. Việc xây dựng nơi thờ tự để thờ phụng các bậc tiền bối là nhu cầu chính đáng, đã trở thành nếp sống văn hoá của người dân các dân tộc Việt nam. Coi đây là đạo lý làm ngưòi, là thể hiện lòng tri ân của các thế hệ sau đối với Tiên linh, Tổ phụ của mình.

“Vạn đại càn khôn hưng kiến tạo”

“Cửa kiên nhật nguyệt đức lưu quang”

Muôn đời khi hưng thịnh, phải lo xây dựng tu bổ nhà thờ họ. Việc làm ấy sáng mãi đến chín phương trời. Chúng ta sẽ thấy có lỗi với lương tâm khi khối óc con tim ta còn biết nghĩ đến điều phải trái, biết mưu cầu hạnh phúc cho đời ta mà quên việc tri ân cho tiên linh, tổ phụ, quên đi nghĩa vụ với dòng tộc, với cộng đồng làng xã…

Các con cháu họ Phạm Công cũng không thể nằm ngoài quy luật đó, đời nào cũng mong ước xây được nhà thờ họ để thờ cúng và cũng là thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công đức sinh thành dưỡng dục của Tổ tiên. Nhưng hơn 200 năm qua đã 5 đời của dòng họ, các cụ đã phải canh cánh trong lòng mang theo ước nguyện đó về với thế giới cõi âm.

Vào dịp chạp tổ ngày 12 tháng 2 âm lịch năm nay, từ đời thứ 6 đến đời thứ 10 dòng họ Phạm đã họp bàn và hạ quyết tâm thực hiện bằng được ý nguyện xây nhà thờ họ. Như điềm trời phật sắp đặt và sự linh thiêng phù hộ độ trì của tổ tiên, khi kế hoạch xây dựng nhà thờ họ được khởi xướng, lập tức được tất cả mọi người đồng lòng, nhất trí hưởng ứng với quyết tâm cao. Ngay lập tức, Ban tổ chức chỉ đạo xây dựng được thành lập, ông Phạm Công Nhất là ngươi được tín nhiệm giao nhiệm vụ trưởng Ban. Không phải chờ đợi đến kế hoạch cụ thể, thật là cảm động, bác  Phạm Công Điền, Phạm Công Lành, Phạm Công Toàn, Phạm Công Hậu lần lượt đứng lên thay mặt gia đình tuyên bố cúng tiến tổng cộng gần 1000 m2 đất ở trung tâm thôn, mảnh đất vuông vắn nhìn ra đường trục, thuận về phong thuỷ và đặc biệt cũng chính là đất của tổ tiên đời trước để lại. Đây chính là điều kiện tiên quyết, là nền tảng thiêng liêng nhất để xây dựng thành công  nhà thờ họ.

          Tiếp ngay sau đó ông Phạm Công Sao đứng lên tuyên bố công đức bước đầu 100 triệu đồng để dòng họ có thể sớm triển khai công trình, rồi ông Phạm Công Quả, một người rất khó khăn về kinh tế cũng xung phong công đức 2 triệu đồng. Đó chính là những ngòi nổ đầu tiên, tạo động lực, khí thế và niểm tin cho cả dòng họ và để ban tổ chức vững tâm triển khai thi công.

          Và chỉ 4 ngày sau, vào ngày 16 tháng 2 dưới sự chỉ đạo của Ban tổ chức, đứng đầu là ông Nhất, ông Long, đông đảo con cháu trong họ đã tiến hành dọn quang, san lấp mặt bằng và liên tục thi công cho đến ngày hôm nay.

Đúng là “Địa Linh Tụ Khí xây nhà thờ tổ, Tử tôn thờ phụng Phúc trường sinh” Việc xây dựng nhà thờ họ nhận được sự tự nguyện hưởng ứng của tất cả các cụ, ông bà cô bác nội ngoại và các con cháu. Mọi người đều có tâm hướng về dòng họ tuỳ theo điều kiện cụ thể của mình. Danh sách công đức ngày một dài thêm, đợt 1, đợt 2 rồi đợt 3. Cho đến nay gia đình ông Sao cùng thông gia đã công đức gần 200 triệu đồng, nhiều gia đình công đức ngay từ những ngày đầu hàng chục triệu đồng như gia đình bác Học, ông Cốc,ông Nhiềm, Bác Mực, ông Tuyển, bác Vui. Riêng chi 1 Ngành 3 là chi nhà ông Bản đã họp và thống nhất tập trung đóng góp công đức tổng cộng 40 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều ngưởi con gái mang họ Phạm tuy đã xuất giá tòng phu, phải có trách nhiệm chăm lo cho họ bên chồng, nhưng biết tin họ xây nhà thờ đã gửi về công đức góp sức cùng dòng họ. Nhiều người cũng đã công đức tới hàng chục triệu đồng như Bà Xốp, bà Hiền, bà Huê, bà Lan, bà Liện, bà Nhẫn, Cô Đậu ...Dòng họ Phạm Công sẽ mãi mãi ghi nhớ tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người trong và ngoài họ. Danh sách công đức sẽ được ghi lại trong sổ và bia vàng danh dự để lưu truyền lại mãi mãi về sau.

Dòng họ cũng mãi ghi nhận công lao, nhiệt tâm, vất vả của ban tổ chức chỉ đạo công trình mà lòng cổt là ông Long, ông Nhất. Ông Phạm Công Nhất với vai trò trưởng Ban, mặc dù còn đang công tác trong cơ quan Nhà nước nhưng ngày nào ông cũng đều có mặt tại công trường để giám sát, chỉ đạo thi công xây dựng. Ông là một ngươì gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm nên được con cháu tín nhiệm, kính trọng, chính điều đó đã giúp ông chỉ đạo rất thuận lợi;

Dòng họ cũng mãi ghi nhận sự tự nguyện, nhiệt tình, không tiếc thời gian, không ngại gian khổ của nhiều bà con, cô bác, con cháu đã đóng góp gần 2000 công lao động để kịp thời đáp ứng cho tiến độ xây dựng công trình. Nhiều anh em, con cháu thường xuyên có mặt tham gia lao động, gác cả công việc nhà lại để ưu tiên tham gia cho dòng họ. Đáng tuyên dương là gia đình bác Lành, bác Thuấn, ông Thiềm, bác Chủng, vợ chồng bác Tâm- Chính, bác Linh,... và nhiều người khác nữa. Dòng họ chúng ta có một cháu thuộc đời thứ 9, đó là cháu Lâm con bác Hải. Tới đây cháu sẽ kế tục vai trò trưởng Ngành 3. Tuy còn rất trẻ nhưng cháu rất có tâm và nhiệt tình với công việc của dòng họ. Cháu đã xây dựng trang Web đẻ quảng bá truyền thống và các hoạt động của dòng họ ta đến cả nước và quốc tế. Cháu chính là người trang trí và dẫn chương trình ngày lễ hôm nay. Dòng họ tuyên dương cháu và mong cháu giữ mãi và phát huy tấm lòng nhiệt tình với công việc của dòng họ.

Trong ngày lễ khánh thành vui tươi trang trọng này, đề nghị tất cả hãy cho một tràng pháo tay thật lớn để tuyên dương những đóng góp trên.

 

Kính thưa các quý vị;

Kính thưa toàn thể bà con cô bác,

Sau gần 5 tháng khởi công xây dựng. Bắt đầu từ ngày 16.2, hôm nay ngày 10.7 năm Nhâm Thìn 2012.  trong niềm vui, niềm hân hoan phấn khởi, của sự đoàn tụ dòng họ chúng ta để hướng về cội nguồn, bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, thành kính dâng lên Tiên Tổ, nhà thờ họ đã hoàn thành. được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố theo kiểu nhà cổ giả gỗ. Con cháu Họ Phạm Công chúng ta đã có một nhà thờ họ cao ráo, khang trang, tôn nghiêm, để phụng thờ Tiên Tổ, là ngôi nhà chung thiêng liêng của dòng tộc.

Dòng họ chúng tôi hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể tổ chức khánh thành vào tháng 7 âm lịch. Bởi tháng 7 là tháng của lễ Vu lan, ngày lễ đã từ lâu trở thành một ngày trọng đại trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, cũng là một phong tục  không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng; là tháng báo hiếu, tháng xá tội vong nhân. nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Chính vì vậy việc chọn ngày 10 tháng 7 âm lịch để tổ chúc lễ khánh thành nhà thờ họ là vô cùng ý nghĩa, nhằm thoả mãn ước nguyện báo hiếu của con cháu đối với bậc sinh thành, đối với tổ tiên như lời Đức Phật đã dạy “Công ơn cha mẹ thật lớn lao, cho dù gánh trên vai đi hết cả cuộc đời cũng không thể đền đáp được”, đồng thời cũng lả để thoả mãn ước nguyện cầu mong cho linh hồn các bậc tiền bối được siêu thoát, thanh thản và mỉm cười nơi chín suối.

Từ hôm nay, nhà thờ họ Phạm Công thôn Vân Đôi sẽ chính thức được đưa vào sử dụng. Đây sẽ là nơi để dòng họ tổ chức ngày chạp tổ, những ngày cúng dỗ. là dịp con cháu xa gần tụ họp, dâng hương tưởng nhớ t Tiên, không những được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn là dịp thể hiện tấm lòng báo hiếu đối với các bấc tiền bối, lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dòng họ, thoả mãn tâm lý hướng về cội nguồn, hiểu về nơi sinh thành của cha ông, về quá trình đấu tranh lao động để gây dựng cơ nghiệp lâu dàì, thấm nhuần giá trị phúc ấm tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau.  Tất cả những yếu tố đó góp phần quan trọng vào việc định hướng và giáo dục con cháu tiếp nối nhau phát huy tự hào của dòng họ để tu thân tích đức tiến bộ hơn, sống có đức hơn, biết hòa quyện gắn kết giữa gia đình và dòng họ, giữa dòng họ với cộng đồng, để từ đó có những đóng góp hài hòa cho lợi ích riêng- chung . Cùng dòng tộc, làng xã xây dựng một nếp sống mới ngày càng có văn hóa hơn, thân thiện hơn, ấm no, hạnh phúc hơn.     

Ngoài việc cúng lễ tổ tiên, những ngày này còn là dịp họp bàn, đưa ra những chương trình, quy ước để xây dựng dòng họ thêm vững mạnh.

Tuy nhiên thành công này mới chỉ là bước đầu, để hoàn thiện toàn bộ khu nhà thờ họ còn rất nhiều hạng mục và công việc phải làm, vì vậy, dòng họ rất mong tiếp tục nhận được sự nhiệt thành ủng hộ, những tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người để có điều kiện tu bổ nhà thờ dòng họ chúng ta ngày thêm khang trang, tôn nghiêm và ấm cúng. 

Để hoàn thành tốt đẹp công trình như ngày hôm nay, xin phép quý vị đại biểu cho phép tôi được thay mặt Hội đồng gia tộc xin bày tỏ lòng biết ơn đến chính quyền địa phương, ghi nhận những công lao về sức lực, trí tuệ của Ban xây dựng Nhà Thờ, ghi nhận sư đóng góp gần 2000 công lao động của con cháu để kịp thời đáp ứng đúng tiến độ xây dựng, đảm bảo kỹ thuật và mỹ thuật công trình. Đặc biệt xin được ghi nhận những tấm lòng vàng của bà con, chú bác, anh chị em, con cháu dâu rể nội ngoại ở trong nước và nước ngoài, những người hảo tâm đã đồng lòng, đồng sức đóng góp ý tưởng, kế hoạch, tiền của để gửi về quê hương xây dựng nhà thờ, đó là nghĩa cử cao đẹp của những người con  hướng về cội nguồn, hướng về quê hương, nhớ ơn Tiên Tổ.

 

Kính thưa các quý vị;

Kính thưa toàn thể bà con cô bác,

Trong buổi lễ long trọng và đầy tình nghĩa này, một lần nữa cho phép chúng tôi được thành thật biết ơn và đón nhận những tình cảm quý giá mà quý vị đại biểu, quý vị quan khách đã dành cho Bổn tộc chúng tôi.

Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và xúc động hôm nay có bà con, chú bác, anh chị em, con cháu dâu rể, nội ngoại từ khắp mọi miền của Đất nước và nước ngoài đã về dự Lễ Khánh Thành đông đủ, làm cho buổi lễ càng thêm ấm cúng, linh nghiêm, thắm đượm nghĩa tình của dòng tộc để được cùng nhau, chúng ta kính cẩn dâng lên bàn thờ Tổ Tiên, Ông Bà nén hương tưởng nhớ, tri ân đến Người đã sinh thành ra chúng ta, Người đã lập dựng nên làng nước, Họ Tộc chúng ta. Nguyện cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà chúng ta nơi chốn cửu tuyền luôn được thanh thản, hằng mong Hồn thiêng của Tổ Tiên, Ông Bà chứng trì cho tấm lòng thành kính của con cháu Họ Phạm Công .

Cầu nguyện Tổ Tiên, Ông Bà phù hộ độ trì cho con cháu dòng họ chúng ta được hồng ân phúc ấm, cát tường như ý!

Thành Kính gửi đến các quí vị đại biểu, các vị khách quí lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt!

Chúc bà con, cô bác, anh chị em dâu rể, con cháu nội ngoại gần xa mạnh khoẻ, đoàn kết, thân ái. Chúc cho sự đoàn tụ của Đại gia tộc chúng ta ngày thêm bền vững, phát triển và  hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn !

                                                                      Hải Phòng, ngày 15 tháng 8 năm 2012

                                                --------- & ---------

 

Các tin tức khác


Comments