Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên hoàn hảo

Ngày 13/6/2008, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử VN đã phối hợp với Đại
Sứ quán Hoa Kỳ tổ chức để ông Larry Berman, Giáo sư khoa Khoa học Chính
trị thuộc Đại học California tại Davis, người chấp bút cho cuốn hồi ký
về cuộc đời của thiếu tướng tình báo Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn, có buổi
làm việc và nói chuyện với các nhà sử học Việt Nam về cuốn sách
"Perfect Spy” (Điệp viên hoàn hảo).
GS Larry Berman là tác giả của nhiều quyển sách được quan tâm ở VN như
No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam (Không hòa
bình, chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở VN), The Free
Press, 2001; Cuộc chiến tranh của Lyndon Johnson: con đường dẫn tới bế
tắc ở Việt Nam, NXB W. W. Norton, 1989; và Hoạch định cho một Thảm họa:
Mỹ hoá chiến tranh ở Việt Nam, NXB W. W. Norton, 1982.
Tại Mỹ, cuốn Điệp viên hoàn hảo” bằng tiếng Anh dày hơn 300 trang do
NXB Smithsonian-Harper Collins ấn hành chính thức ra mắt độc giả vào
tháng 4/2007. Nguyên văn tựa đề cuốn sách là "Perfect Spy: The
Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Reporter and Vietnamese
Communist Agent" (Một điệp viên hoàn hảo: Cuộc đời hai mặt phi thường
của Phạm Xuân Ẩn - phóng viên Tạp chí Time và điệp viên cộng sản). Sau
một năm phát hành ở Mỹ, cuốn sách đã gây tiếng vang, nhất là sau khi
được giới thiệu trên Washington Post và nhiều tờ báo khác. Tại VN, bản
quyền tiếng Việt của cuốn sách thuộc về Nhà xuất bản Thông tấn, sau khi
ra mắt đã phát hành được gần 40.000 bản, một con số kỷ lục.
Sinh năm 1927 tại Biên Hòa, Đồng Nai, Phạm Xuân Ẩn tham gia Việt Minh
khi còn rất trẻ. Đảng đã tuyển mộ ông làm tình báo viên với bí số X6 -
điệp viên đơn tuyến trực thuộc mạng lưới tình báo H63 ở Củ Chi. Ông
được cử đi học báo chí ở Mỹ trong thập niên 1950, trước khi quay lại Sài
Gòn và trở thành phóng viên cho Reuters, Tạp chí Time, New York Herald
Tribune, The Christian Science Monitor... Thời gian này, nhờ có quan hệ
với nhiều nhà báo Mỹ như David Halberstam, Neil Sheehan, Stanley
Karnow..., những người của CIA như Lou Conein, Edward Lansdale, William
Colby... hay những nhân vật có quyền lực của chính quyền Việt Nam Cộng
hòa mà Phạm Xuân Ẩn đã có được nhiều tin tức quan trọng để bí mật gửi về
Quân uỷ Trung ương thông qua Trung ương Cục miền Nam. Gần 500 báo cáo
bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp do ông gửi về đã đủ nói lên
tầm quan trọng của những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã cống hiến cho Tổ quốc.
Khác với nhiều cuốn sách từng viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn: "Người
Việt trầm lặng" của Jean Claude Pomonti, loạt bài về "Nhà tình báo đã
từng yêu quý chúng ta" của Thomas A Bass, hay "Phạm Xuân Ẩn - tên người
như cuộc đời" của Nguyễn Thị Ngọc Hải ở Việt Nam, "Điệp viên hoàn hảo"
của Larry Berman cung cấp góc nhìn toàn diện hơn, có nhiều chi tiết,
trích dẫn từ nhiều nguồn hơn bất kỳ cuốn sách nào khác.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, tập trung vào cuộc đời
đầy bí ẩn của nhà tình báo. Trả lời cho câu hỏi cuốn sách của Larry
Berman được viết trên cơ sở nào, ông cho biết bản thân đã đến Việt Nam
trên 20 lần, với hàng trăm giờ phỏng vấn nhà điệp viên trong suốt 5 năm.
Mỗi chuyến đi Việt Nam, ông thường ở lại khoảng 2 tuần, hằng ngày, đến
gặp ông Ẩn, bắt đầu từ 9 giờ sáng và ở đấy đến khi nào ông Ẩn mệt thì
về. Sau đó, ông đi gặp khoảng 50 người ở Mỹ và những thành viên trong
mạng lưới của Phạm Xuân Ẩn ở Việt Nam. Ông đã bỏ rất nhiều thời gian gặp
gỡ hàng loạt nhân chứng, trong đó có bà Hằng, bà Tám Thảo, ông Tư
Cang.. những thành viên của nhóm tình báo H63, mà hiện nay chỉ có 5-6
người trong nhóm còn sống.
Trong tác phẩm của mình, tác giả đã dành tất cả những tình cảm và sự tôn
trọng khi nói về nhà tình báo Việt Nam mà ông bắt đầu gặp từ tháng
7/2001: “Tôi thấy cần phải viết về câu chuyện này- câu chuyện về cuộc
đời của Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một nhà tình báo trong chiến tranh,
về những ngày ông hoạt động báo chí, về những năm tháng ông sống trên
đất Mỹ, về những tình bạn của ông. Đó là câu chuyện về một cuộc chiến
tranh, một thời kỳ hòa hợp dân tộc và hòa bình”. "Bạn sẽ thấy, đây là
một cuốn sách vô cùng thú vị về ông Ẩn”.
Họ Phạm Hải Phòng
hophamhaiphong@gmail.com
Họ Phạm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa
PHẠM HỮU NHẬT VÀ PHẠM QUANG ẢNH
VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA TỔ QUỐC
TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Đội
Hoàng Sa được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) làm
nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam và khai thác quần đảo
Hoàng Sa suốt từ thời các Chúa Nguyễn (thời Lê Trung hưng), qua thời
vương triều Nguyễn đến cuối thế kỷ XIX. Lực lượng của Đội Hoàng Sa được
ấn định là trai tráng của xã An Vĩnh, Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn, phủ
Quảng Ngãi, nay là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hoạt động của Đội
Hoàng Sa (có nhiệm vụ kiêm quản Bắc Hải, tức là bao gồm cả Trường Sa) đã
góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển đảo
Hoàng Sa, Trường Sa hàng mấy thế kỷ nay.
Những người lính Hoàng Sa được nhà vua gọi là những "hùng binh". Họ đã
vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền của
đất nước, mặc dù biết đi ra biển cả với thiết bị thô sơ là hiểm nguy, ra
đi không hy vọng có ngày trở lại. Sử sách còn ghi rõ tên tuổi những vị
cai đội, những binh phu thuộc các họ tộc quê ở Cù Lao Ré đi Hoàng Sa,
Bắc Hải (tức Trường Sa) suốt hơn 300 năm, và người dân Lý Sơn cũng luôn
khắc cốt ghi tâm về công lao của họ. Trong số những người này, các vị
thuộc tộc Phạm được nhắc đến khá nhiều trong các trang quốc sử triều
Nguyễn; đặc biệt có 2 vị được lấy tên đặt cho hai hòn đảo trên quần đảo
Hoàng Sa là cai đội Phạm Quang Ảnh và Chánh đội trưởng Thủy quân suất
đội Phạm Hữu Nhật.
Phạm Hữu Nhât là một vị Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội của Đội
Hoàng Sa. Năm Bính Thân-1836 ông vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền
gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng
bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền
đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc,
trên có khắc dòng chữ "Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân
Chánh đội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa
tương độ chi thử lưu đẳng tự" (nghĩa là: năm Minh Mạng thứ 17, Bính
Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi
Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ). Ở từng điểm đảo thuộc quần
đảo Hoàng Sa, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo
đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật rồi về tâu trình
với triều đình là đã hoàn thành nhiệm vu. Không biết ông đã đi được bao
nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông và nhiều người
đã "bị mất tích" trên biển. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng
ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) không có hài cốt tại
thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một
trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.. Các bộ
chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này và đánh giá
công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên
quần đảo Hoàng Sa ; Tổ quốc khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên
Hữu Nhât cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Các tư
liệu còn lưu trữ trong Nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn ở An Vĩnh (hiện do
ông Phạm Văn Đoàn phụng tự) đã xác định Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm
Văn Triều sinh năm 1804 mất năm 1854, con ông Phạm Văn Nhiên thuộc đời
thứ tư của ông Thủy tổ họ Phạm Văn- một trong 13 vị tiền hiền khai phá
đất đảo Lý Sơn. Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19 tháng 2 âm lịch
hàng năm, tộc họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh
việc tưởng nhớ các vị tham gia Đội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước

Phạm
Quang Ảnh người làng An Vĩnh là một viên cai đội của Đội Hoàng Sa.
Tháng giêng năm 1815 vua Gia Long Nguyễn Ánh phong ông làm cai đội của
Đội Hoàng Sa và giao cho ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù
Lao Ré (đảo Lý Sơn) đi đến Hoàng Sa và Bắc Hải để xem xét, đo đạc thủy
trình, trấn giữ Biển Đông và tìm kiếm sản vật quý về cho triều đình. Mỗi
chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển
động. Đoàn thuyền của ông đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi
trong chuyến đi cuối cùng gió bão của biển khơi đã giữ lại những người
con của Tổ quốc. Vua Gia Long đã đích thân đến tận Cù Lao Ré (đảo Lý
Sơn) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Ông và đồng đội đã được hóa thân
vào những hình người nặn bằng đất sét và được cúng chiêu hồn suốt một
đêm với sự có mặt của vua Gia Long, rồi làm lễ an táng như những người
đã chết trên biển: 25 nấm mộ xếp thành một hàng trong đó ông Phạm Quang
Ảnh đặt đầu tiên rồi đến 24 tử sĩ đồng đội của ông, đây là ngững ngôi mộ
chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) đầu tiên ở Đảo Lý Sơn. Đến nay, sau hàng
trăm năm, 25 ngôi mộ gió này đã kết liền với nhau thành một nấm mộ lớn
dài hơn chục mét ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Ông được
phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ và ban phúc cho những người vượt
sóng gió Biển Đông và được nhân dân xã An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng.
Ông trở thành người khai lập dòng họ Phạm Quang trên đảo Lý Sơn, ông
được thờ trong Nhà thờ của dòng họ. Tổ quốc ghi nhớ công lao của ông
bằng cách: một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa
được đặt tên là đảo Quang Ảnh.
Có thể kể tên nhiều người họ Phạm khác nữa ở Lý Sơn có công lao trong
việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của nước ta trên Biển Đông trong thời
Nhà Nguyễn.
Chung ta rất tự hào vì dòng họ của mình có những người con đã anh dũng
hy sinh cho Tổ quốc, và sự hy sinh đó còn là bằng chứng về chủ quyền của
đất nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phạm Thúy Lan
- Theo tư liệu của UBND TP Đà Nẵng
trên Website: danang.gov.vn
- Theo Nguyễn Quang Ngọc trong Tạp chí
Xưa và nay số 317 tháng 10.2008
Họ Phạm Hải Phòng
hophamhaiphong@gmail.com